11 Tháng mười một, 2022
Truyền thông là gì? Rốt cuộc học truyền thông là học cái gì?
Khi tôi nói về tên ngành mình theo học một cách chung chung là “truyền thông”, thường bố mẹ sẽ không hỏi thêm rằng cụ thể là học cái gì.
Nhiều người khác cũng có thái độ như vậy, vì ngành truyền thông hay được gán với những tác vụ khá thực dụng như viết báo, làm marketing, chạy fanpage hoặc quay tiktok.
Thái độ trên hoàn toàn hợp lý, nếu ta không có áp lực phải định nghĩa xem truyền thông cụ thể là cái gì. Một khi ta đối diện với gánh nặng đó, địa hạt nghiên cứu của truyền thông sẽ mở rộng đến độ ta phải cân nhắc tới chuyện tìm chương trình đại học kéo dài 10 năm.
Có thể bạn quan tâm: » Vì sao nhiều người giỏi nhưng vẫn nghèo?
Truyền thông là gì?
Theo một nghĩa rộng nhất, truyền thông là sự trao đổi tín hiệu giữa người với người nhằm tìm ra sự hiểu chung. Ngay từ đây, vô vàn câu hỏi hóc búa đã cần phải được giải quyết như:
- Làm người có nghĩa là sao? Nhu cầu truyền thông giữa người với người thuộc về phạm trù của tự nhiên hay của xã hội? Truyền thông có phải thuộc tính khiến con người khác với các loài khác?
- Tín hiệu là gì? Nó bao gồm những thành tố và thuộc tính gì? Những điều kiện (vật chất, văn hoá, chính trị, xã hội) nào cho phép con người sáng tạo ra tín hiệu đó?
- Thế nào là hiểu? Làm sao con người hiểu rằng mình đang hiểu (về mình, về thế giới, về quan hệ giữa mình và thế giới)? Tín hiệu lan truyền giữa người với người nêu trên có định vị sự hiểu hay không?
Những câu hỏi trên không thể được đặt ra và trả lời một cách độc lập. Chúng cần phải được giải quyết cùng lúc.
Một lộ trình lý giải thường thấy là, để giải quyết câu hỏi về bản chất của truyền thông, ta hay nghĩ đến việc truy nguyên về điều kiện đầu tiên khiến con người có nhu cầu giao tiếp với kẻ khác – một nhu cầu sản xuất vật chất chăng?
Và hệ quả dễ hiểu sẽ là từ nhu cầu sản xuất vật chất, sẽ có sự tồn tại xã hội. Con người phải câu kết với nhau theo một cách nào đó để sản xuất hàng hoá, để san sẻ tài nguyên đến từ thế giới vật chất, và như vậy xã hội ra đời.
Nhưng đi xa hơn, để định vị được rằng mình có nhu cầu, con người phải biết mình là ai và định nghĩa được nhu cầu đó cụ thể là gì. Hai hiện tượng này đều xảy ra trong ngôn ngữ. Và mâu thuẫn to đùng bắt đầu từ đây – ngôn ngữ từ đâu mà ra?
Câu hỏi này vô cùng then chốt vì thứ tín hiệu con người giao tiếp với nhau từ bình minh của lịch sử cho đến nay đều là những hình hài khác nhau của ngôn ngữ. Làn khói bốc lên từ bản làng chứa đựng nghĩa, nó căn dặn người đi xa biết phải trở về lúc nào và theo đường nào. Sự ra đời của đại từ xưng hô sau đó chứng tỏ hệ thống ngôn ngữ đã đến một trình độ cực kỳ tinh vi.
Có người nói ngôn ngữ xuất phát từ sự ra đời của một vùng trong não bộ. Nếu sự thật là vậy và ta hiện dùng ngôn ngữ như công cụ mạnh nhất để thấu hiểu và tạo ra thực tiễn, thì phải chăng thực tiễn này chỉ là bùa mê thuốc lú xuất phát từ não mình?
Đi xa hơn một chút, ngôn ngữ chẳng có lý do gì để tồn tại nếu không nảy sinh quan hệ giữa người với người, vì thế câu trả lời hợp lý hơn sẽ là ngôn ngữ sản sinh trong tồn tại xã hội.
Hai kiểu lập luận trên góp phần suy ra một nhận định rằng ngôn ngữ tồn tại siêu việt, here and there, và một kết luận hơi dễ dãi sẽ là “con người là một loài động vật xã hội”. Dẫu vậy, không ai trả lời được ngôn ngữ xuất phát từ tự nhiên hay xã hội.
Ngôn ngữ – công cụ để con người thao túng nhau
Nếu tôi kể những điều trên với bố mẹ tôi, hẳn họ sẽ vô cùng nghi ngờ tính hữu dụng của chương trình học. Vì thế tôi quyết định ỉm đi, và ỉm đi luôn cả những chủ đề thậm chí còn điên rồ hơn của truyền thông:
Đó là việc ngôn ngữ, khi được sử dụng trong những xã hội có tổ chức phức tạp hơn và có thứ bậc, sẽ trở thành công cụ để con người thao túng nhau.
Đã có nhiều tranh cãi về việc đặc tính của ngôn ngữ là vật chất hay tinh thần, nhưng một điều có thể được chỉ ra rõ ràng hơn là hệ thống truyền thông, với kỹ nghệ phức tạp lên dần theo sự phát triển của cơ sở hạ tầng, đã vật chất hoá (materialize) ngôn ngữ thành cả mật ngọt và súng đạn.
Con người chỉ có khả năng ghi nhớ và phức tạp hoá hệ thống ngôn ngữ thông qua việc vật chất hoá nó bằng cách vẽ lên trần hang, khắc vào đá, viết vào giấy, gõ máy tính, chiếu lên truyền hình… chủ nghĩa duy vật mới (new materialism) sẽ nói vậy.
Có thể nói, học truyền thông phức tạp hơn nhiều so với việc học về tính hữu dụng. Nghiên cứu truyền thông quan tâm tới cách chủ thể con người này được kiến tạo ra trong truyền thông, và truyền thông lại bị kiểm soát bởi chủ thể con người khác, cứ thế đến vô tận.
Đến đây, bạn có thể hỏi, học truyền thông có phải là học cách nghi ngờ xem mình có bị ai bịp hay không? Nhưng đi xa hơn, nó học về việc bạn bị bịp và bạn nghi ngờ về chuyện mình bị bịp theo cách của ai, theo style của công cụ truyền thông nào?
Bài viết của Vũ Hoàng Long, anh cũng là tác giả của cuốn sách Kiếp Người – Vĩnh Cửu và Vô Thường.
“Kiếp Người: Vĩnh Cửu và Vô Thường” là một dòng tự sự, hồi cố về ký ức và quá trình lớn lên của một đứa trẻ, từ ngày nó còn ở tuổi thơ ấu cho đến ngày nó chạm chán với xã hội xung quanh mình.
Cuốn sách khám phá những sự kiện làm nên nhận thức của đứa trẻ ấy về gia đình, về cộng đồng, về thế giới nó thuộc về.
Có thể bạn quan tâm: » KOC là gì?
Và hơn hết, cuốn sách tự hỏi điều gì khiến đứa trẻ nhận ra chính mình trong một kiếp sống vốn dĩ đã được định hình bởi người khác. Là nhân tố đến sau và rơi tõm vào bể đời, nó phải đặt ra những câu hỏi gì để thích nghi và chia sẻ một mảnh đời chung với vô vàn những con người không giống mình trong xã hội.
Trước ngưỡng cửa cuộc đời, đứa trẻ đó tự hỏi: Vì sao tôi lại được sinh ra? Sự tồn tại của tôi có quan trọng hay không trong một vũ trụ nghìn trùng? Bằng cách nào tôi có thể nhận thức được tôi là chính mình? Loài người sinh ra với cá tính, bản chất được định sẵn, hay những gì định hình nên con người đều được kiến tạo thông qua những tương tác xã hội?…
Có thể bạn quan tâm: » Cần bao nhiêu Vốn để Khởi Nghiệp?
Hãy thử dừng lại ở một quãng nào đó của cuộc đời và suy ngẫm về những câu hỏi trên, ta sẽ nhìn đời và nhìn chính mình với nhiều gam màu và âm điệu hơn. Khi ấy ta nhìn vào những điều hiển nhiên trong cõi đời này và thấy chúng không còn hiển nhiên nữa.
Kiếp Người – Vĩnh Cửu và Vô Thường
56.900₫ 79.000₫ (giao nhanh trong 2h)
MUA SÁCH
- Travel Blogger là gì? Làm thế nào để trở thành một Blogger Du lịch?
- Reviewer là gì? Làm thế nào để trở thành Reviewer chuyên nghiệp?
- Khởi nghiệp – Bạn lựa chọn con đường nào?
Xem thêm tại Youtube TRUYỀN THÔNG ĐA PHƯƠNG TIỆN rốt cục là học cái gì và làm cái gì ???
Hôm nay mình sẽ chia sẽ về ngành truyền thông đa phương tiện, dây là ngành có môi trường làm việc năng động, đầy tính sáng tạo và tự do, các bạn nhơ like, share và cmt clip cho mình nhen!!