Mục lục
Nếu bạn theo style vintage, retro và đang muốn tìm một nguồn hình ảnh nào đó để tham khảo hình mẫu phái đẹp Việt ngày xưa, có lẽ các ấn phẩm tạp chí Saigon trước và sau giải phóng sẽ là một lựa chọn tuyệt vời. Ấn phẩm tuy của riêng Saigon, nhưng hình ảnh bên trong dù trắng đen hay có màu, lại đều đại diện cho cả một thế hệ phụ nữ Việt qua các thời đại.
Khoan hãy vội đón đêm giao thừa, sao không cùng Đẹp365 ngồi lại để điểm qua vẻ đẹp của phụ nữ Việt qua từng thời đại, biết đâu sẽ tìm ra hình ảnh vintage phù hợp với mình thì sao? Bắt đầu từ những năm 1920s nhé:
1/ Thời chủ nghĩa thực dân
Có rất ít quảng cáo trong thời kỳ thuộc địa, một phần vì do chủ nghĩa bảo thủ xã hội dẫn đầu bởi tổng thống Pháp – Patrice De MacMahon vào cuối những năm 1870 và mong muốn bành trướng đế chế Pháp của Emile Loubet đầu thế kỷ 20 ảnh hưởng nhiều đến đời sống tinh thần của xã hội Việt nam. Dân số đất nước lúc này chỉ khoảng 13 triệu dân (theo Populstat).
Tuy nhiên vẫn có thể tìm thấy những hình ảnh của phái đẹp xưa trên trang bìa của tạp chí “Exposition De Hanoi” năm 1902. Trong thời đại này, người ta ưa thích phụ nữ Việt đi theo hình ảnh truyền thống với làn da trắng mịn kết hợp với áo ngũ thân. Các quảng cáo ở thời kỳ này chủ yếu lấy bối cảnh dân dã với thiết kế bình dị cùng cây dừa hoặc dòng sông.
Phụ nữ Việt Nam (đặc biệt là giới quý tộc) ở thời đại này luôn ưu ái chăm sóc làn da của mình. Và họ xem màu trắng hoa huệ là màu da tiêu chuẩn mà ai cũng muốn có được. Cũng vì thế, các loại kem dưỡng trắng của Lucien Berthet & Cie –Crème Siamoir gần như chiếm lĩnh toàn bộ thị trường.
2/ Thời kì chiến tranh hỗn loạn toàn cầu
Khi cả thế giới bị kéo vào guồng quay hỗn loạn của Chiến Tranh Thế Giới thứ 2, những tư tưởng về làm đẹp và trang điểm dĩ nhiên không phù hợp với bối cảnh xã hội thời bấy giờ. Nhưng dù doanh số bị biến động mạnh mẽ, Saigon vẫn liên tục đón nhận sự xuất hiện các thương hiệu mỹ phẩm đến từ Pháp, đối đầu trực tiếp các thương hiệu địa phương. Các sản phẩm đến từ thương hiệu nổi tiếng như Elizabeth Arden bắt đầu lấn át các dòng mỹ phẩm đóng mác “local” như Xà bông Cô Ba trên thị trường làm đẹp.
Trong thời kỳ chiến tranh kéo dài, mỹ phẩm trên toàn cầu đều bị hạn chế nhập khẩu một cách nghiêm ngặt. Thậm chí khi xuất hiện trên báo chí, những mẫu quảng cáo của thương hiệu nước ngoài luôn đính kèm những lời xin lỗi đến người dùng Việt.
Vì những hạn chế này, không có gì lạ khi phụ nữ Việt Nam bị thiếu hụt những xu hướng làm đẹp trong giai đoạn hỗn chiến, xu hướng làm đẹp chính vẫn là lối trang điểm truyền thống đã có từ thời Pháp thuộc
3/ 20 năm phân vùng Bắc – Nam trong cuộc chiến giành độc lập
Cuộc chiến giành độc lập kéo dài xuyên suốt 2 thập kỷ đã vô tình chia rẽ và làm thay đổi xu hướng làm đẹp của phụ nữ 2 vùng Nam – Bắc. Một bên vẫn giữ mãi cho mình vẻ đẹp mộc mạc đậm chất truyền thống, một bên lại bắt đầu những thay đổi rõ rệt do ảnh hưởng từ làn sóng kinh tế và văn hóa phương tây.
Thị hiếu của phái đẹp miền Nam khoảng thời gian này có thay đổi rõ rệt bởi 3 câu chữ: “phim ảnh ngoại”. Những rạp chiếu phim lớn như Rex, Long Vân hay Dakao dần dần xuất hiện mang theo những bộ phim Hollywood bom tấn thời bấy giờ, vô tình tạo ra hình mẫu làm đẹp mới trong lòng giới trẻ nói chung và phụ nữ Saigon nói riêng. Và cuối cùng thì một chút gì đó của vẻ đẹp rất “Tây” đã chính thức đi vào lòng công chúng.
Mẫu quảng cáo của thuốc lá Cotab sử dụng hình ảnh người phụ nữ đầy tự tin với hàng lông mày đậm chất Marlene Dietrich là một ví dụ điển hình. Song song đó một vài quảng cáo khác của Việt Thanh Xuân đã chứng thực sức hút mãnh liệt của xu hướng mới: môi đỏ đương đại và má hồng tươi tắn ở các cô gái Sài Thành trong giai đoạn này.
Nếu “keyword” của Sài Gòn những năm 1950 là thanh lịch và truyền thống, thì những năm 1960 và đầu 1970 đã chắc chắn sẽ là hiện đại và Tây Phương. Làn da trắng mịn và lối trang điểm xưa cũ không còn mang đến nét đẹp cuốn hút thành thị, họ bắt đầu chú ý đến việc tạo kiểu tóc để trở nên sang trọng và quý phái hơn.
Còn về miền Bắc, phái đẹp nơi đây vẫn duy trì hình mẫu truyền thống vốn có và ít bị ảnh hưởng bởi văn hóa phương Tây. Lý do bởi lẽ các tờ báo truyền thống (như Báo Nhân Dân năm 1961) đã hạn chế không đăng tải nhiều hình ảnh có liên quan đến văn hóa các nước ngoại lai. Thay vào đó, họ tập trung nâng cao nhận thức văn hóa, và kêu gọi phụ nữ Việt nên tham gia vào hành trình thống nhất đất nước. Kết quả có lẽ nàng cũng đã rõ, phong cách làm đẹp của 2 miền ngày càng trở nên khác biệt và kém thống nhất.
4/ Thời kỳ đổi mới
Sau thống nhất đất nước năm 1975, do không còn sự phân cách vùng miền, văn hóa cũng thống nhất nên nhiểu phụ nữ Việt Nam trở lại với vẻ ngoài dịu dàng, đề cao nét đẹp tự nhiên không gò bó, phong cách Tây Phương tuy không còn quá phổ biến nhưng vẫn rất được ưa chuộng.
Thời kỳ này hầu hết phụ nữ đều có cuộc sống cực nhọc, cố gắng hồi phục nền kinh tế đã mất do chiến tranh, chẳng mấy ai quan tâm đến việc chưng diện đầu tóc như thế nào. Chỉ sau giai đoạn 1986 khi Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất và dệt may, cuộc sống dần trở nên phát triển hơn đã cho phép phụ nữ có đủ điều kiện để theo đuổi các xu hướng làm đẹp trong nước và quốc tế.
Các ấn phẩm hướng đến phái đẹp như Phụ Nữ Sài Gòn lấy cảm hứng làm đẹp từ Liên Xô. Hình ảnh 3 cô gái Nga với kiểu tóc nổi bật của năm 1980 – mái tóc xoăn lọn to tròn thậm chí trở thành cảm hứng làm đẹp trong suốt quãng thời gian dài.
5/ Và cuối cùng, thời đại hội nhập
“Tua” nhanh sang thập niên 1990, dòng chảy văn hóa đương đại một lần nữa lại bắt đầu dịch chuyển, kéo theo nhiều thay đổi trong phong cách và định hướng làm đẹp của phái đẹp đất nước hình chữ S.
Việt Nam bấy giờ hoan nghênh và du nhập các ấn phẩm âm nhạc, phim ảnh với số lượng lớn chưa từng thấy. Trong đó nổi bật phải kể đến làn sóng âm nhạc và điện ảnh Trung Quốc, cụ thể những bộ phim như My Fair Princess (1998 – 1999) hay Romance in the rain (2001) ngập tràn trong làng giải trí Việt, tạo ra xu hướng và tiêu chuẩn đẹp mới chưa từng có trước đây.
Một ví dụ thực tiễn về ảnh hưởng của làn sóng Trung Hoa có thể được tìm thấy trong quảng cáo váy cưới của Báo Phụ Nữ Sài Gòn năm 1996. Không còn hình bóng của những lọn tóc xoăn cũ kỹ của những năm 1980, thay vào đó là những mái tóc thẳng tắp bóng mượt đậm chất nàng thơ Trung Hoa Vivian Chow.
Những bảng màu son nude bắt đầu được cập nhật trong thời đại này. Màu nâu socola là tông sắc thời thượng trong mắt phụ nữ Việt và được ưa chuộng đến hết những năm 2000. Cây son nude trong thời kỳ này gần như là vật-bất-ly-thân của hầu hết mọi tín đồ làm đẹp trên thế giới, trở thành bước ngoặc làm đẹp của thế kỷ. Không tin ư? Bạn có thể rảo mắt một vòng để chứng kiến những ngôi sao quốc tế tiên phong cho phong trào trang điểm này xuất hiện dày đặc trên các mặt báo.
Phụ nữ thời kỳ này có thể dễ dàng mua được cho mình những loại mỹ phẩm từ các thương hiệu nổi tiếng với giá 75.000 đồng hay các loại son bột với giá chỉ 83.000 đồng, khởi đầu cho một kỷ nguyên làm đẹp cực kỳ phát triển tại Việt Nam kéo dài đến tận bây giờ.
(Nguồn: Tổng hợp).