Suốt năm vừa qua đã có rất nhiều các cuộc tranh luận sôi nổi về ranh giới của hai thái cực nam và nữ trong ngành thời trang. Cách xác định phong cách con người chỉ đơn giản dựa vào giới tính mà họ sinh có vẻ đang dần trở nên cổ hủ.
Thực ra những cuộc tranh luận này đã âm ỉ từ rất lâu nhưng mãi cho đến gần đây, khi ngày càng có nhiều nhà thiết kế thời trang đứng lên ủng hộ và cho ra mắt những bộ sưu tập cộp mác “gender neutral”, tức “trung lập tính” thì tranh luận về vấn đề này mới thực sự trở thành trend khắp các mạng xã hội. Thậm chí đến bây giờ, nhiều người mới giật mình nhận ra rằng khi nam và nữ cùng vào một trung tâm thương mại để mua sắm, họ sẽ phải tách ra làm hai hướng vì mỗi thương hiệu đều chia quần áo theo giới ở các khu khác nhau.
Có lẽ cũng vì thế mà ngành thời trang đang bắt đầu “rục rịch” những bước chuyển mình rất mới mẻ. Chả hạn như Charles Jeffrey, 69US, và Eckhaus Latta thời gian gần đây liên tục cho ra mắt những BST đi dần về hướng trung lập, cả nam và nữ đều có thể thoải mái mặc những trang phục này theo cách riêng của mình.
Những cái tên phổ biến hơn như H&M và Zara cũng vào cuộc khi tung ra những dòng hoodie, sweater và áo thun freesize mà nam và nữ đều có thể mặc được. Và dù cho hai thương hiệu này vẫn còn chia khu vực thời trang nam nữ ở các khu riêng biệt, biết đâu trong thời gian tới chúng ta sẽ được thấy sự xáo trộn trong cách họ sắp xếp cửa hàng trong tương lai thì sao?
Có một dự án rất thú vị có tên Phluid Project, diễn ra tại thành phố New York đã trưng bày trang phục và hình ảnh đậm chất gender-neutral, bỏ qua mọi định nghĩa truyền thống về giới tính tối giản của chỉ nam và nữ trong xã hội này. Trong năm 2017, thương hiệu John Lewis ở Anh thậm chí đã ngừng phân loại áo quần trẻ em của mình là nam hay nữ, nhằm tạo ra bước đệm đầu tiên trong việc xóa bỏ phân định giới tính trong ngành thời trang.
Nói tóm lại, sau biết bao nhiêu thay đổi này, ngành thời trang cần phải làm gì để thực sự có thể xóa bỏ lằn ranh giới tính cổ hủ và đi đến gender-neutral? Câu trả lời hẳn là ở việc các nhà thiết kế và thương hiệu cần phải thực sự nhận thức được sự đang dạng của giới tính cũng như hình thể của khách hàng ở thời đại mới này, quần áo phải phù hợp với tất cả mọi hình hài vóc dáng. Đi đầu trong việc này phải kể đến Gender Free World, thương hiệu đã hoàn toàn xóa bỏ việc đặt size kích thước quần áo theo con số, mà thay vào đó sử dụng những cái tên riêng cho từng kích thước. Hay thương hiệu SK Manor Hill đã thiết kế dây thắt trên các sản phẩm quần tây để người mặc có thể tự do điều chỉnh kích thước, độ ôm của ống quần.
Những thay đổi, những cải tiến này thực sự cần được mở rộng ra các thương hiệu khác trong tương lai. Theo như nghiên cứu của GLAAD, có 12% người trẻ thời đại này có xu hướng tình dục và giới tính khác với giới tính mà họ được sinh ra, sự gia tăng của con số này càng cho thấy sự đa dạng của giới tính và hình thể chắc chắn sẽ bùng nổ trong tương lại, những cách nhìn nhận cổ hủ rằng chỉ có trang phục cho nam giới và nữ giới sớm hay muộn, cũng sẽ bị đào thảo và dần dần thay thế. Có lẽ đã đến lúc, các thương hiệu thời trang nên thay đổi và mang đến những sản phẩm sáng tạo hơn, mới mẻ và quan trọng hơn cả, đa dạng về giới hơn.